Lần thứ tư Hợp_tung

Sau khi đẩy lui quân Yên về nước, khôi phục quốc gia, Tề không thể lấy lại sức mạnh như thời Tề Mẫn vương. Bản thân các nước tham gia hợp tung gây chiến tranh làm suy yếu lẫn nhau, nên quân Tần thừa thế mở nhiều cuộc tấn công sang đông, lấn đất đai các nước. Ba nước nằm giáp Tần là Tam Tấn (Hàn, Triệu, Ngụy) bị thiệt hại nhiều nhất, sau nhiều lần chiến bại phải cắt đất cầu hòa liên miên.

Năm 260 TCN, quân Tần đánh bại quân Triệu một trận lớn ở Trường Bình, giết hơn 40 vạn quân Triệu[22]. Sang năm 258 TCN, quân Tần thừa thắng tiến sang vây hãm kinh thành nước Triệu là Hàm Đan.

Nước Triệu nguy cấp, bèn sai sứ cầu cứu nước Ngụy, Tề, còn Bình Nguyên quân Triệu Thắng đích thân sang Sở đề nghị Sở Khoảnh Tương vương hợp tung chống Tần. Do sự thuyết phục của người khách Mao Toại (dưới quyền Bình Nguyên quân), vua Sở bằng lòng hợp tung, cử Xuân Thân quân Hoàng Yết đi cứu. Cùng lúc, Ngụy An Ly vương cũng cử Tấn Bỉ mang quân cứu Triệu. Tuy nhiên cả hai cánh quân Sở, Ngụy đều chỉ hư trương thanh thế không giao chiến với quân Tần. Riêng nước Tề, khi đó dưới thời Tề vương Kiến, thế nước đã suy yếu, lại dùng chính sách liên hoành với Tần, giao hảo với nước Tần không chịu hưởng ứng hợp tung với chư hầu[23].

Em vua Ngụy là công tử Ngụy Vô Kỵ hăng hái hưởng ứng hợp tung, lấy trộm binh phù của vua anh Ngụy An Ly vương, ra mặt trận lừa giết tướng Tấn Bỉ đoạt lấy quân đội và dẫn quân đánh úp quân Tần. Tướng Tần là Vương Lăng thua to phải rút về nước[24].

Lần hợp tung chống Tần này chỉ có 3 nước Triệu, Ngụy, Sở, công lao lớn nhất thuộc về Tín Lăng quân Vô Kỵ.